Tố chất Karl_XII_của_Thụy_Điển

Đối với kẻ thù của ông và quan sát viên châu Âu, dường như vua Karl XII khát khao chiến đấu bất kỳ lúc nào và bất cứ may rủi ra sao. Ông toàn tâm toàn lực chú trọng vào việc di chuyển chớp nhoáng và chiến thuật gây sốc. Tính bốc đồng và hăng say tấn công đã khiến ông bị cáo buộc là cẩu thả – ngay cả cuồng tín.[cần dẫn nguồn] Chính vì tính cách này mà nhà vua được người ta mệnh danh là "chàng Hiệp sĩ Đôn Kihôtê của phương Bắc".[27] Nhưng đó không phải là sự tấn công điên cuồng; mà đúng hơn, là cách tấn công kiểu Thụy Điển dựa trên chương trình huấn luyện khắc khổ và chế độ kỷ luật thép, dựa trên tinh thần cống hiến hết mình và niềm tin vào chiến thắng, và dựa trên hệ thống liên lạc xuất sắc. Vua Karl XII sẵn sàng phá lệ hành quân theo mùa trong năm – khi băng đông cứng, xe goòng và pháo của ông di chuyển dễ dàng hơn, và binh sĩ của ông đã quen với thời tiết lạnh – vì thế ông sẵn sàng mở chiến dịch vào mùa đông.

Quốc vương Karl XII trên lưng ngựa, họa phẩm của David von Krafft.

Vị vua trẻ trở nên vênh vang và kiêu ngạo đến nỗi mà không một người nào dám chỉ ra những sai lầm của ông.[22] Là tấm gương tốt về kỷ luật, khác với Nga hoàng Pyotr Đại Đế, nhà vua không màng đến rượu chè và gái đẹp, đồng thời, ông không khoái khẩu với những bữa yến tiệc.[14][20] Một năm sau khi ông lên nối ngôi, vào mùa đông, có hai Công chúa được cử đến Hoàng cung Thụy Điển, để ông chọn một trong hai người làm Hoàng hậu. Kết quả là cả hai người này phải ra về.[28] Lúc lên 18 tuổi, nhà vua đang đi sâu vào rừng để săn gấu, thì nhận được tin quân Ba Lan đã xâm lấn vùng Livonia của Đế quốc Thụy Điển mà không có lời tuyên chiến. Ông trầm tĩnh mỉm cười rồi quay qua Đại sứ Pháp và nhẹ nhàng nói:

Trẫm và ba quân sẽ đẩy vua Augustus (tức August II của Ba Lan kiêm Tuyển hầu tước xứ Sachsen) lui về vị trí xuất phát.

— Karl XII

Chuyến săn gấu tiếp tục. Nhưng khi trở về kinh thành Stockholm, vua Karl XII - được mệnh danh là "Người hùng anh của phương Bắc"[29] - đã phát biểu với hội đồng:[20]

Quả nhân quyết không bao giờ khởi động một cuộc chiến phi nghĩa, nhưng cũng không bao giờ chấm dứt một cuộc chiến có chính nghĩa mà không khuất phục được kẻ thù.

— Karl XII[20]

Đây là một lời hứa mà ông sẽ mãi theo đuổi suốt đời, vượt trên mọi chính sách bình thường, vượt trên mọi lý do. Lực lượng Bộ binh Thụy Điển thời bấy giờ là lực lượng Bộ binh hùng mạnh nhất trên toàn cõi châu Âu, và tài thống lĩnh của Quốc vương đã truyền cảm đến họ.[30] Và, không khác gì vị tiên vương vĩ đại của ông - Gustav II Adolf - chưa đầy 20 tuổi mà vị vua trẻ đã phải đối đầu với ba kình địch.[31] Vài tuần sau, khi ông nghe tin vua Frederik IV của Đan Mạch (một anh họ xa của ông) đã tấn công lãnh thổ của Công tước Fredrik IV của xứ Holstein-Gottorp (anh rể của ông), ông không ngạc nhiên lắm, và nói:

Trẫm dự định xử lý một tên giặc thù trước rồi sẽ nói chuyện với tên kia sau.

— Karl XII

Vào lúc này, vua Karl XII vẫn chưa biết rằng kẻ thù thứ ba, Pyotr Đại đế của Nga, cũng đang chuẩn bị tấn công ông. Augustus II đã đề nghị với Sa hoàng Pyotr là hai bên cùng tấn công Đế quốc Thụy Điển, vì thấy vua Karl XI của Thụy Điển đã chết, để lại ngai vàng cho con trai còn trẻ. Thời điểm dường như chín muồi để đánh chiếm các tỉnh ven bờ Baltic của Thụy Điển, qua đó Ba Lan và Nga sẽ có lối thông ra Biển Baltic.

Không may cho họ, kẻ thù của vua Karl XII không biết về tố chất đích thực của ông: không sợ bị thách thức; ông còn sẵn sàng đối đầu với thách thức.[32] Ông đã được chuẩn bị không phải cho chiến tranh đơn thuần, mà cho chiến tranh trên diện rộng, dữ dội; không phải cho một trận chiến chóng vánh và một hòa ước cỏn con, mà cho những giải pháp cuối cùng, toàn diện. Vua cha trước khi chết đã trăng trối nên giữ cho Đế quốc Thụy Điển được hòa bình "trừ khi Hoàng nhi bị nắm tóc lôi vào chiến tranh."[20] Nhưng ý tưởng căm ghét "cuộc chiến phi nghĩa" đã khơi dậy trong lòng vua Karl XII quan niệm về đạo đức, và ông trở thành một nhà quân phiệt tham vọng hơn cả Nga hoàng Pyotr Đại Đế hay vua Phổ Friedrich II Đại Đế.[32][33][34] Khi ông lên nối ngôi vua, Đế quốc Thụy Điển đã có phần suy yếu, cái huyền thoại "Quân đội Thụy Điển vô địch thiên hạ" đã bị phá vỡ với việc họ bị quân Phổ - Brandenburg đánh đại bại trong trận Fehrbellin vào thập niên 1670. Do đó, vua Karl XII quyết tâm phát động chiến tranh, để giữ trọn niềm tự hào của Đế quốc Thụy Điển lừng lẫy: một giai đoạn hiển hách của chủ nghĩa quân phiệt Thụy Điển mở ra.[35]

Thế là cuộc Đại chiến Bắc Âu xảy ra, kéo dài trong 20 năm. Với những chiến công hiển hách của mình, ông đã củng cố vị thế của Đế quốc Thụy Điển trước kia - là nước đóng vai trò bá chủ ở Bắc Âu vào năm 1700.[36][37]